Xúc tiến du lịch: Đi cùng nhưng không được đi trùng
VHO - “Sau đại dịch Covid-19, chúng ta đã ghi nhận sự phục hồi của du lịch. Với đà tăng trưởng như thế này, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra hoặc vượt cao hơn. Tuy nhiên, mọi việc không phải tự dưng đạt được mà cần có kế hoạch thật tốt, đặc biệt có sự liên kết, phối hợp các nguồn lực xã hội tham gia vào quảng bá, xúc tiến du lịch”.
Thứ trưởng Hồ An Phong điều hành hội nghị Ảnh: N.T
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong tại Hội nghị về công tác xúc tiến du lịch năm 2024, do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức ngày 10.4.
Thương hiệu du lịch Việt Nam ngày càng lan tỏa
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2023 là năm phục hồi mạnh mẽ của du lịch, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, 108 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 678.000 tỉ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút 4,6 triệu lượt khách quốc tế; 30 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 195.000 tỉ đồng. Để đạt được mục tiêu cả năm 2024 là thu hút 17- 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 840.000 tỉ đồng, công tác xúc tiến du lịch là giải pháp quan trọng.
Ông Hà Văn Siêu cũng chỉ rõ những khó khăn, thuận lợi hiện nay. Về mặt thuận lợi là sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông, xu hướng tiêu dùng, du lịch xanh, bền vững, dịch Covid-19 cũng thúc đẩy du lịch số, du lịch xanh; nhu cầu cá nhân hóa trải nghiệm và ứng dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, tôn trọng giá trị bản địa, coi trọng giá trị thương hiệu của điểm đến, đơn vị cung cấp dịch vụ; vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao, thương hiệu du lịch Việt Nam ngày càng được củng cố, lan tỏa. Tuy nhiên, những khó khăn có thể kể đến là sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến; giá cả dịch vụ, vé máy bay tăng cao, xung đột chính trị...
Do đó, để tạo đột phá cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, ở cấp Trung ương, năm 2024 ngành du lịch có các nhiệm vụ trọng tâm là tham gia 3 Hội chợquốc tế gồm: WTM London, CITM Trung Quốc và ASEAN - Trung Quốc; tổ chức 6 chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Bắc Mỹ, Australia, Trung Quốc, châu Âu, ASEAN và Ấn Độ; 3 Lễ hội du lịch - văn hóa Việt Nam tại Tokyo và Kanagawa (Nhật Bản), Hàn Quốc; 10 famtrip/ presstrip cho các đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, Australia, Mỹ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, thực hiện chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh tại Los Angeles (Mỹ) sẽ diễn ra vào quý III năm nay.
6 điểm cần hành động
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội nhấn mạnh việc truyền thông trong quảng bá xúc tiến du lịch rất quan trọng. Ngoài ra cần đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác giữa các đơn vị du lịch thay vìhoạt động riêng lẻ, đồng thời tận dụng các liên hoan phim quốc tế, đưa du lịch gắn với điện ảnh, thông qua đó lồng ghép những điểm đến đẹp của Việt Nam bằng các câu chuyện, nội dung phim. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị cần xác định các sự kiện xúc tiến trọng điểm, xuyên suốt trong năm, tạo hiệu ứng thu hút du lịch, từ đó, xây dựng thành sự kiện thường niên, tạo dấu ấn với du khách trong và ngoài nước. Làm tốt công tác truyền thông, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phối hợp đơn vị truyền thông quốc tế, đưa các hoạt động, điểm đến của địa phương đến với thế giới.
Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) cho biết, lễhội du lịch văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc vừa là mô hình B2C đồng thời là B2B, khi cùng Cục Du lịch Quốc gia tổ chức các hội thảo chuyên sâu để giới thiệu các danh lam, thắng cảnh của nước ta. Ngoài ra, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế mong muốn địa phương và doanh nghiệp cùng đồng hành với các lễhội du lịch văn hóa tại nước ngoài.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đánh giá buổi làm việc diễn ra khẩn trương, phát biểu thẳng thắn, hiến kế phong phú và thống nhất cao, giàu tính xây dựng, đặc biệt gợi mở nhiều ý tưởng. Thứ trưởng Hồ An Phong tổng kết lại 6 điểm để ngành du lịch cùng nhau hành động, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh, nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia, qua đó phát triển kinh tế du lịch kết hợp với văn hóa, đó là: Thứ nhất, hội nghị thống nhất cao kế hoạch của Bộ VHTTDL ban hành trong năm 2024. Thứ hai phải đổi mới, sáng tạo, nâng tầm sự kiện, làm sao cho ấn tượng và phải chú ý thị trường tiềm năng, chú ý tới đối tác chiến lược. Thứ ba là chú trọng quảng bá điểm đến, hình ảnh Việt Nam, xúc tiến phát triển sản phẩm, có sản phẩm để xúc tiến. Thứ tư là cần nghiên cứu thị trường xem du khách thích gìở nước ta, xu hướng du khách đi du lịch như thế nào. Thứ năm là phải xã hội hóa công tác quảng bá, xúc tiến để huy động nguồn lực, tạo sức mạnh và tôi thống nhất với ý kiến “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, nhưng mà đi đừng trùng lặp giữa các địa phương và phải có đầu tàu. Và thứ sáu, mặc dù xúc tiến ngoài nước nhưng cũng phải đẩy mạnh xúc tiến trong nước, thị trường trong nước cũng rất quan trọng và chúng ta chưa đạt như mong muốn”.
Xúc tiến, quảng bá du lịch qua điện ảnh Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết, Bộsẽ tổ chức chương trình xúc tiến du lịch kết hợp với điện ảnh (Việt Nam Expo in Hollywood) tại Mỹ vào tháng 9.2024. Chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì, Indochina Productions Mỹ thực hiện, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Oxalis Adventure phối hợp tổ chức. Về các thị trường ưu tiên quảng bá, xúc tiến trong năm 2024, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng Mỹ, Australia, Ấn Độ, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất… là những thị trường tiềm năng cần hướng tới. Liên quan đến chương trình xúc tiến du lịch kết hợp điện ảnh tại Mỹ, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis Adventure đã nêu một số ví dụ tiêu biểu về khả năng thu hút khách du lịch thông qua điện ảnh như New Zealand với bộ phim Lord of the Rings; Việt Nam với bộ phim bom tấn Kong: Skull Island và bộ phim Netflix A Tourist’s Guide to Love. Ông Nguyễn Châu Á cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để thu hút các đoàn làm phim Hollywood tới để sản xuất các bộ phim, qua đó quảng bá vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, điểm đến nổi bật, văn hóa lôi cuốn của Việt Nam. |
KHẢI HƯNG